Bước tới nội dung

Dương cầm

Đây là một bài viết cơ bản. Nhấn vào đây để biết thêm thông tin.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ 🎹)

Dương cầm
Piano cánh (bên trái) và piano tủ (bên phải)
Nhạc cụ dùng phiếm bấm
Phân loại của Hornbostel–Sachs314.122-4-8
(Simple chordophone with keyboard sounded by hammers)
Phát minh bởiBartolomeo Cristofori
Phát triển bởiĐầu thế kỉ 18
Âm vực
Henriëtte Ronner-Knip (1897)

Piano hay dương cầm là một nhạc cụ có bàn phím dây trong đó các dây được gõ bởi các búa gỗ được bao phủ bởi một vật liệu mềm hơn (các búa gỗ hiện đại được phủ bởi len dầy, một số đàn piano thời kì đầu dùng lông). Người ta chơi dương cầm thông qua một bàn phím, trong đó các phím được sắp thành hàng ngang (các đòn bẩy nhỏ), khi đó người chơi đàn nhấn xuống hoặc đánh với lực của các ngón của cả hai tay để làm cho các búa đập vào các dây đàn. Đàn piano được phát minh tại Ý bởi Bartolomeo Cristofori khoảng năm 1700.

Tên gọi và từ nguyên

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày trước, Việt Nam dùng từ "Tây Dương" - ý nghĩa "biển phía Tây" để chỉ các nước Tây Âu. Khi Piano du nhập từ phương Tây vào Việt Nam nên ban đầu được gọi là "Tây Dương cầm", sau rút gọn thành "dương cầm". "Cương cầm" (phồn thể: 鋼琴 / giản thể: 钢琴 / bính âm: gāng qín) - tên gọi piano ở Trung Quốc. Ngoài ra, một từ Hán Việt cũng được đọc là Dương cầm nhưng nó ám chỉ đến đàn tam thập lục của Trung Quốc, và loại đàn này không liên quan gì tới piano.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Những chiếc dương cầm cổ điển hay còn gọi thông thường là piano cổ điển ngày nay được xây dựng trực tiếp từ những chiếc đàn clavico clavecin (harpsichord) từ khoảng thế kỷ 16 và 17. Khoảng năm 1700, Bartolomeo Cristofori đã thử tạo ra một chiếc đàn harpsichord mà có thể biểu hiện âm nhạc một cách truyền cảm hơn, và đã tạo ra một bộ máy mà các búa gõ vào các dây, khác với đàn harpsichord là dùng quill (dụng cụ gảy đàn bằng ống lông) để gảy. Một đặc trưng lớn khác ở đàn piano thời đầu của ông là cơ cấu búa thoát, nó khiến cho búa tách rời khỏi phím một khi các nốt được đánh lên, và rồi chơi lại ở một vận tốc khác hẳn, làm thay đổi hẳn sự biểu cảm của chính các nốt phím đó. Những chiếc piano đầu tiên của Critofori vẫn còn chứa đựng rất nhiều nét giống với thiết kế của một cây đàn clavecin, còn âm thanh thì phần nhiều vẫn như thế, ngoại trừ việc là người chơi bấy giờ có thể chơi nhạc bằng việc nhấn vào bàn phím.

Các thiết kế của Cristofori không được biết đến mãi cho đến những năm cuối của 1700, khi các bản thiết kế piano của ông được xuất bản. Các nhà sản xuất như Gottfried Silbermann người Đức và học trò của ông là Christian FriedericiJohannes Zumpe bắt đầu phát triển piano với vai trò là một nhạc cụ độc lập với clavecin. Mặc dù lúc đầu không được ấn tượng cho lắm nhưng được J.S.Bach ủng hộ năm 1747. Âm nhạc bắt đầu được viết riêng cho piano từ năm 1732 và kỷ nguyên của nó với vai trò một nhạc cụ dành cho biểu diễn bắt đầu.

Sự phát triển của piano cổ điển sau năm 1750 diễn ra theo hai hướng cơ bản. Ở Anh, đàn piano được thiết kế nặng hơn và phức tạp hơn. Ở Đức, một loại khác nhẹ hơn và cấu trúc đơn giản hơn được biết đến như một cây đàn xứ Viên, được nhà sản xuất Johann Andreas Stein xây dựng, đó chính là những cây đàn mà Haydn, MozartBeethoven đã chơi và soạn nhạc trên đó.

Khi piano cổ điển ngày càng phát triển, nó dần trở thành một nhạc cụ độc lập và cần làm cho âm thanh to hơn. Để tăng âm, các dây phải dày hơn và bộ khung phải khoẻ hơn nữa, như thế có thể đạt được một áp lực lớn hơn. Bộ khung của đàn piano thông thường được làm bằng gỗ, trở nên dày hơn và nặng hơn và thanh chằng chéo giúp nó kiên cố hơn. Đến năm 1820, Thomas Allen thậm chí vẫn còn dùng các ống kim loại để giữ căng các dây, và một nhà sản xuất thành công người AnhJohn Broadwood bắt đầu dùng các tấm bằng sắt để giữ cho chúng được căng lên, mà giờ đây các đĩa đó phần lớn được làm bằng kim loại hơn là bằng gỗ. Năm 1825, Alpheus Babcock sáng chế ra khung bằng gang và sau đó năm 1843, một người MỹJonas Chickering bắt đầu làm piano với một đĩa tròn vành, một nét đặc trưng của các piano cánh ngày nay. Một sự phát triển đáng chú ý khác là việc chằng các dây, được phát triển bởi Henri Pape vào năm 1828 và Steinway cấp bằng sáng chế năm 1859, ông đã đặt các dây bass dài hơn lên cao hơn các dây kim, giúp cho các dây dài hơn ở trong hộp ngắn hơn và đặt các dây bass ở giữa qua một bảng cộng hưởng (soundboard) để có một sự hồi âm tốt hơn.

Piano cổ điển được bắt đầu sản xuất hàng loạt vào những năm 1800, cùng với sự thành lập của các công ty lớn chuyên sản xuất đàn Piano cổ điển, những công ty này hoàn toàn phát triển từ nền tảng của mẫu đàn cánh đó tới năm 1821.

Đặc điểm và cấu tạo

[sửa | sửa mã nguồn]

Đàn dương cầm cổ điển tạo ra âm thanh bằng cách gõ vào các sợi dây thép bằng những chiếc búa bọc nỉ bật lên ngay tức thì để cho dây đàn piano tiếp tục ngân vang ở tần số cộng hưởng của nó. Những rung động này được truyền qua các cầu đến bảng cộng hưởng (soundboard), bộ phận khuếch đại chúng.

Ứng dụng

[sửa | sửa mã nguồn]

Đàn dương cầm có nhiều ứng dụng thực tế trong biểu diễn và sáng tác âm nhạc, trong nhiều thể loại âm nhạc: nhạc cổ điểnnhạc hiện đại.

Nhạc jazz

[sửa | sửa mã nguồn]

Jazz là một thể loại âm nhạc bắt nguồn từ cộng đồng người châu Phi ở Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Jazz nổi lên ở nhiều nơi trên nước Mỹ với phong cách âm nhạc độc lập phổ biến vào thời đó; liên kết bằng kết nối chung giữa âm nhạc Mỹ gốc châu Âu và âm nhạc Mỹ gốc Phi với một xu hướng thiên về biểu diễn

Piano được dùng phổ biến trong nhạc jazz, nó thường chơi solo như một nhạc cụ độc lập trên nền nhạc, hoặc cũng có thể đệm cho các nhạc cụ khác hoặc cho người hát.

Nhạc cổ điển

[sửa | sửa mã nguồn]

Nhạc cổ điển là dòng nhạc nghệ thuật được sản xuất, hoặc được bắt nguồn từ truyền thống tế lễ ở phương Tây bao gồm cả nhạc tôn giáo và nhạc thế tục, một khoảng thời gian rộng lớn từ khoảng thế kỷ thứ XI đến thời điểm hiện tại.

Có nhiều thể loại nhạc cổ điển được soạn riêng cho đàn dương cầm: sonata cho piano, concerto cho piano và dàn nhạc, mazurka, polonaise, rondo, nocturne...

Các thể loại nhạc khác

[sửa | sửa mã nguồn]

Piano được dùng phổ biến trong tất cả các thể loại nhạc khác với vai trò là nhạc cụ đệm cho người hát hoặc các loại nhạc cụ khác, hoặc là nhạc cụ độc tấu các bản nhạc không lời được chuyển soạn cho piano.

Tiền thân

[sửa | sửa mã nguồn]

Harpsichord

[sửa | sửa mã nguồn]

Harpsichord là một nhạc cụ xuất hiện từ thế kỉ 15. Đó là một nhạc cụ có phím và dây, trong đó dây được gẩy bằng một mẩu lông quạ gắn ở cuối phím. Harpsichord có nhiều kiểu hình dáng và có thể có dạng giống như một chiếc dương cầm lớn. Mặc dù harpsichord rất phổ biến trong vài thế kỉ và được nhiều nhà soạn nhạc lừng danh như J. S. Bach sử dụng, nó có một nhược điểm lớn: không có khả năng phát tiếng to nhỏ theo độ mạnh nhẹ khi bấm của người chơi.

Clavichord

[sửa | sửa mã nguồn]

Clavichord là một trong những nhạc cụ phím đơn giản và nhỏ nhất mà âm thanh được phát ra bằng dây. Dựa trên các hình vẽ và ghi ghép, người ta cho rằng clavichord, với hình dạng giống như một số mẫu hiện còn tồn tại, đã xuất hiện từ những năm đầu thế kỉ 15. Clavichord được sử dụng rộng rãi ở Tây Âu vào thời Phục hưng và ở Đức cho đến đầu thế kỉ 19, nhưng chỉ được coi như một nhạc cụ để học và chơi chứ ít khi dùng để sáng tác. Khi người chơi bấm vào phím, một mảnh kim loại bật lên và đập vào dây đàn. Mảnh kim loại còn có tác dụng như một thanh chặn dây, và nốt nhạc được ngân lên cho đến khi phím đàn được thả ra. Hệ thống đơn giản này giúp cho người đọc kiểm soát được cường độtrường độ của âm thanh.

Pianoforte

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1709, người thợ chế tạo harpsichord người Ý Bartolomeo Cristofori chế tạo chiếc dương cầm đầu tiên trên thế giới gọi là piano et forte (nhẹ và mạnh). Không lâu sau, những người thợ khác tạo ra những chiếc pianoforte với búa. Tiếp đó, pianoforte thay thế harpsichord và clavichord bởi nó có những ưu điểm mà các nhạc cụ phím khác không có. Fortepiano là một nhạc cụ dây-búa có khả năng tạo ra những sự thay đổi âm thanh nhỏ thông qua sự bấm phím mạnh hay nhẹ của người chơi. Đến khoảng năm 1850, từ "fortepiano" được thay thế bởi từ "piano". Vào những năm đầu thế kỉ 18, dương cầm không mấy thu hút được sự chú ý và ủng hộ. J.S. Bach có lẽ thích clavichord, nhạc cụ mà ông đã quen chơi và cũng là nhạc cụ chơi dễ hơn.

Dương cầm vuông

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào khoảng 1760, Johannes Zumpe chế tạo chiếc dương cầm vuông kiểu Anh lần đầu tiên tại London (sau được biết đến với cái tên "piano vuông lớn"). Sau đó không lâu, Broadwood ở London và ErardPháp cũng chế tạo ra những chiếc tương tự. Johann BehrendPhiladelphia trưng bày chiếc đàn vuông của ông vào năm 1775. Những chiếc đàn vuông này có tiếng hơi yếu yếu và không thể so sánh được với chiếc pianoforte lớn (kiểu có nắp rộng bản). Thêm vào đó, những chiếc dương cầm vuông không có cơ cấu nhấc và búa của chúng không thể gõ vào dây một cách liên tục. Ngoài ra, búa đàn, làm bằng những mảnh gỗ nhỏ với một lớp da mỏng, đều cùng một kích thước dù chúng phải gõ lên những dây bass lớn nhất. Rất nhiều công ty sản xuất dương cầm hàng đầu của Mĩ chế tạo những chiếc dương cầm vuông lớn được đẽo nhằm mục đích trang trí trong suốt thập niên 1800, bao gồm Chickering, Knabe, SteinwayMathushek. Mặc dù trong suốt 75 năm sau đã có một số thay đổi về chế tạo đàn dương cầm, chiếc dương cầm vuông tiếp tục thống lĩnh thị trường, đặc biệt ở Mĩ.

Một sự tụt hậu trong những nhạc cụ phím đầu tiên, bao gồm cả những chiếc dương cầm vuông đầu tiên, chính là sự yếu ớt trong âm thanh. Yêu cầu phải có những âm thanh mạnh mẽ hơn chỉ có thể được thỏa mãn với việc sử dụng những dây nặng hơn và một khung âm lớn hơn. Cách giải quyết này rất hạn chế bởi khung gỗ không thể chịu đựng nổi sức căng của những dây nặng đó. Vào khoảng năm 1825, Alpheus Babcock đã chế tạo một khung sắt hoàn chỉnh. Tuy nhiên, phải đến 1837 Jonas Chickering mới hoàn chỉnh cấu tạo và nhận được bằng sáng chế không lâu sau đó. Mặc dù vẫn có những tranh cãi rằng khung sắt ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng âm thanh, cuối cùng khung sắt vẫn được ủng hộ. Vào năm 1855, Steinway trưng bày chiếc dương cầm vuông theo kiểu dây đan tại hội chợ thế giới ở Thành phố New York và chứng minh rằng nó là một đối thủ đáng gờm của về chế tạo dương cầm của Chickering. Thiết kế mới về cách mắc dây này đã tạo ra một sự thúc đẩy mạnh mẽ cho sự nghiên cứu chế tạo dương cầm trong tương lai.

Các kiểu đàn hiện tại

[sửa | sửa mã nguồn]
Chi tiết bên trong của một cây đại dương cầm. Những mày đàn nằm giữa ngựa đàn và điểm móc cho phép tạo thêm âm bội phụ, làm giàu cho những nốt cao.

Hiện nay, trên thị trường có 3 kiểu đàn dương cầm: dương cầm lớn, dương cầm đứng và kiểu lai giữa hai loại trên.

Những chiếc đàn đứng, dù chất lượng có cao đến mấy, không được những người chơi piano coi là nhạc cụ có chất lượng thuộc hàng chuyên nghiệp. Nhiều yếu tố dù đã được nghiên cứu hay chỉ là do sở thích là lý do cho sự đánh giá này. Một mục tiêu của các hãng sản xuất đàn đứng là mang lại chất lượng âm thanh giống như của đàn lớn cho những chiếc đàn đứng.

Hình dáng của chiếc đàn đứng, ban đầu được chế tạo để dùng trong nhà, tạo ra một cảm giác thiếu dễ chịu theo một hướng. Đồng thời cũng rất khó để người chơi đàn quan sát nhạc công, để khán giả nhìn thấy người chơi và để âm thanh tỏa ra một cách truyền cảm cho khán giả.

Những chiếc đàn lớn có một hệ thống phím tận dụng trọng lượng của phím khiến cho phím trở về vị trí ban đầu. Đàn đứng lại sử dụng lò xo. Hệ thống phím là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến âm thanh từ đàn piano và ảnh hưởng đến đánh giá của người chơi đàn về chất lượng âm thanh.

Những tấm chặn của đàn piano lớn có hiệu quả cao hơn bởi chúng chặn dây ở ngay chỗ búa gõ. Trong đàn đứng, những tấm chặn chặn ở bên dây và vì thế không đạt được hiệu quả như của đàn piano lớn. Tuy nhiên, hệ quả của quá trình chặn dây, một yếu tố rất quan trọng trong chất lượng âm thanh, lại chưa được nghiên cứu.

Hình dáng của đàn lớn thích hợp hơn đàn đứng. Đối với đàn lớn, cả hai bên hộp cộng hưởng đều được mở ra khiến cho âm thanh phát ra mà không bị cản trở. Đối với đàn đứng, hộp cộng hưởng của đàn bị ngăn cách với phòng bởi vỏ đàn và thường ở rất gần tường. Kết quả là âm thanh của đàn đứng mềm và đục hơn của đàn lớn.

Hai chiếc đàn với cùng một hình dáng có thể có âm thanh hoàn toàn khác biệt bởi sự tinh xảo về cấu tạo. Đàn lớn tạo nên cảm giác phím chuẩn hơn, âm thanh tốt hơn, có những nguyên liệu tốt hơn và nhiều thứ khác. Những khác biệt do kĩ thuật chế tạo này có thể nghe thấy, và những người thợ sửa đàn có thể phân biệt được điều này.

Nhiều sự vượt trội về âm thanh của cây đàn lớn là do kích cỡ của nó so với cây đàn đứng hiện tại. Những ưu điểm khác là do vị trí nằm ngang của dây và hộp cộng hưởng tạo điều kiện tốt hơn cho âm thanh tỏa ra.

Dương cầm lai có ưu điểm của cả hai loại trên: dây và hộp cộng hưởng nằm ngang, kích cỡ nhỏ có thể chứa trong phòng ở. Tuy nhiên, nó vẫn to hơn đàn đứng và chất lượng âm thanh, dù hơn đàn đứng, vẫn thua xa một cây đàn lớn đúng nghĩa.

Kết cấu và các thành phần

[sửa | sửa mã nguồn]

Bàn phím

[sửa | sửa mã nguồn]

Bàn đạp

[sửa | sửa mã nguồn]

Cơ học dương cầm

[sửa | sửa mã nguồn]

Bảo quản

[sửa | sửa mã nguồn]

Mỗi cây đàn piano đều được các nhà sản xuất piano luôn chú trọng đến độ ẩm. Đặc biệt đối với mỗi cây đàn Piano, nhà sản xuất sẽ khuyến nghị độ ẩm khác nhau. Với mỗi cây đàn Piano, đặc biệt là Grand Piano (Piano Thùng). Mỗi hãng sẽ khuyến nghị độ ẩm để bảo quản cây đàn piano giúp cho người chơi một cách tốt nhất. 'Trong một số mẫu của cây đàn piano, thì độ ẩm lý tưởng là từ 30% - 70%. Còn các hãng khác như là Steinway and Sons, thì độ ẩm lý tưởng là từ 40%-60%.

Chơi đàn và các kĩ thuật

[sửa | sửa mã nguồn]

Piano đã làm đẹp không gian ở rất nhiều ngôi nhà, và cũng là một nhạc cụ thiết yếu ở trong các phòng hòa nhạc lớn và nhỏ. Thông thường, đối với nhà có phòng khách nhỏ, thì đàn Piano dạng tủ (Upright) được để ở trong phòng khách. Đối với nhà có phòng khách rộng, thì một cây Grand Piano có thể đặt được ở không gian này. Đối với mẫu Concert Grand 2.7 mét, sẽ được đặt ở trong phòng hòa nhạc, và phòng khách có kích thức bự. Một trong số đó, đàn Piano Concert Grand với chiều dài khoảng 308 cm được sản xuất bởi Fazioli có thể đặt ở phòng hòa nhạc lớn.

Đọc thêm

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Loesser, Arthur (1991) [1954]. Men, Women, and Pianos: A Social History. New York: Dover Publications.
  • Banowetz, Joseph (1985). The pianist's guide to pedaling. Elder, Dean. Bloomington: Đại học Indiana Press. ISBN 0-253-34494-8.
  • Reblitz, Arthur A. (1993). Piano Servicing, Tuning and Rebuilding: For the Professional, the Student, and the Hobbyist. Vestal, NY: Vestal Press. ISBN 1-879511-03-7.
  • Lelie, Christo (1995). Van Piano tot Forte (The History of the Early Piano). Kampen: Kok-Lyra. (tiếng Hà Lan)
  • Parakilas, James (1999). Piano roles: three hundred years of life with the piano. New Haven, Connecticut: Yale University Press. ISBN 0-300-08055-7.
  • Fine, Larry (2001). The Piano Book: Buying and Owning a New or Used Piano (4th edition). Gilbert, Douglas R. Jamaica Plain, MA: Brookside Press. ISBN 1-929145-01-2. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2021.
  • Carhart, Thad (2002) [2001]. The Piano Shop on the Left Bank. New York: Random House. ISBN 0-375-75862-3.
  • Schejtman, Rod (2008). Music Fundamentals. The Piano Encyclopedia. ISBN 978-987-25216-2-2.
  • Thiollet, Jean-Pierre (2012). Piano ma non solo. Paris: Anagramme. ISBN 978 2 35035 333-3.
  • Thiollet, Jean-Pierre (2015). 88 notes pour piano solo. Paris: Neva. ISBN 978 2 3505 5192-0.
  • Thiollet, Jean-Pierre (2017). Improvisation so piano. Paris: Neva. ISBN 978 2 3505 5228-6.
  • Benedetti, Nicola. "Fazioli Pianoforti." Fazioli.com, 2023, www.fazioli.com/en/maintenance/. Accessed 20 July 2023.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]