Bước tới nội dung

Ưng trảo quyền

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Ưng Trảo Quyền)

Ưng Trảo quyền, tục gọi là Ưng trảo công hay phép luyện Ưng trảo quyền, (chữ Hán: 鷹爪派), đọc bính âm Ying Jow Pai tức Ưng trảo phái, dịch nghĩa tiếng Anh: Eagle Claw, được lưu truyền là có nguồn gốc từ Nhạc Phi, xuất hiện bắt đầu vào khoảng năm 1130 vào thời kỳ giữa cuộc chiến tranh giữa nhà nhà Nam Tống và các bộ tộc người Nữ Chân của vương triều nhà Kim (1115-1234) là tổ tiên của người Mãn Châu sau này sáng lập ra vương triều nhà Thanh

Đây là môn quyền thuật của Bắc Thiếu Lâm mà kỹ pháp chủ yếu là các động tác vồ, chụp, khóa, bẻ, điểm, đâm....

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào cuối triều nhà Minh, Lý Quyền Song, một đồ đệ của Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam và cũng là chuyên gia về Phiên tử quyền đã đối luyện với các chiến sĩ thuộc hạ của mình và học được môn Ưng Trảo quyền này rồi tích hợp thành Thiếu Lâm Phiên Tử Ưng Trảo quyền.

Ngoài ra, còn có hai thuyết nữa giải thích rằng vì lấy theo hình, ý, cách vồ đánh của chim ưng làm phương pháp mà thành tên. Cho nên, về nguồn gốc thì có hai thuyết sau.

Một thuyết nói là từ đời Minh do Thích Kế Quang chép trong "Ký hiệu tân thư - Quyền kinh tiệp yếu" có "phép vồ của Ưng trảo vương" nói loại quyền do Ưng trảo vương truyền lại.

Thuyết thứ hai nói khoảng giữa đời Thanh ở Hùng huyện tỉnh Hà Bắc có người tên là Lưu Sĩ Tuấn sáng tạo ra Ưng Trảo Phiên Tử quyền.

Truyền nhân đời sau từng lấy ở Nhạc thị liên quyền, Phiên Tử Quyền một số động tác (như thiết thủ, cán thủ, song tỏa thủ - tức hai tay ôm) dung hợp với Ưng trảo quyền mà thành tên một hệ phái lớn được gọi là "Ưng Trảo Phiên Tử môn", "Ưng Trảo Phiên quyền"

Trước kia môn này chỉ được lưu truyền ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). Truyền nhân là Trần Tử Chính sau này từng được mời ra truyền dạy rộng rãi môn này ở Tinh Võ Thể dục Hội của Hoắc Nguyên Giáp thành lập ở Thượng Hải. Hiện nay lưu hành ở Hà Bắc, Bắc Kinh, Hà Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Tứ Xuyên v.v... ngay nhiều nước ở Đông Nam á, châu Âu, châu Mỹ cũng được lưu truyền.

Ưng Trảo quyền, còn gọi là Ưng Trảo công có nghĩa bao hàm là phép đánh bằng móng vuốt của chim Ưng, cho nên cũng được gọi là phép luyện công phu theo như hình móng vuốt của chim Ưng là vậy. Môn công phu này thịnh hành ở hệ phái Bắc Thiếu Lâm nhiều hơn. Ở miền Nam Trung Hoa, chỉ có Nga Mi Võ PháiBạch Mi Quyền là có lưu hành cách luyện phép đánh Ưng Trảo công này mà thôi.

Đặc trưng kỹ pháp

[sửa | sửa mã nguồn]

Đặc điểm của loại quyền này là tư thế hùng dũng, tay mắt sắc bén, thân bộ linh hoạt, phát lực cương bạo. Có quyền ca rằng: Tay như vuốt ưng trên, dưới lật, cánh tay cánh chim ưng trái, phải vươn. Mạnh như ưng vàng vồ gà nhép, chậm như ưng xanh liệng chín tầng (trời). Nhanh như chim ưng đuổi ngỗng bay, khôn như ưng nấp trong núi...".

Phép luyện chú trọng hụp, né, đa biến nhanh, chậm xen nhau, mắt đưa tay đến, ý đến lực đến.

Phép đánh thì dọa trên hạ dưới, trong móc ngoài hờ, dứt gân bẻ xương, kết hợp vồ, chụp, bẻ với đánh.

Ưng Trảo quyền không dũng mãnh nhưng ra đòn hiểm ác. Thế quyền linh hoạt biến ảo mà bên trong có phần mạnh bạo. Cương nhu tương tế, mềm cứng có đủ cả trong các chiêu thức quyền thuật. Di chuyển nhanh nhẹn mà vững vàng, đòn chân và đòn tay kết hợp chặt chẽ và luồn sâu vào đối phương là đặc điểm của loại quyền pháp này.

Thủ pháp thì có vồ, đánh, tóm, rứt, lật giã, khóa, dựa, gạt, cắt ngăn, bọc, chú trọng vồ tóm là chính.

Về thoái pháp (cước pháp) có dậm, bật, khều, quấn, xuyên, liên hoàn thoái cùng lật, lăng, nhảy, vọt v.v...

Thân pháp có cúi, ngửa, vặn, xoay, vươn, co, né, sải v.v... chú trọng về thu hông bó kình lực kết hợp lưng và vai thi triển công lực đòn đánh.

Luyện đôi mắt (nhãn pháp) thì đảo, liếc, chú mục, đưa theo v.v...

Về kình lực thì chú trọng dòn (xuệ), mài dũa (tỏa), nâng, chặt (khẩn).

Công pháp chủ yếu luyện về Ưng Trảo công (luyện móng vuốt chim Ưng) và Trang công (tấn pháp) theo hình thế chim Ưng.

Bài bản thì có Ưng trảo quyền, La Hán Quyền, Bát Bộ Truy, Bát Diện Truy, Ngũ Thập Lộ Liên Quyền, Thập Nhị Lộ Hành Quyền v.v....

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]