Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối
Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối | |
---|---|
![]() Áp phích chiếu rạp của phim | |
Đạo diễn | Bùi Thạc Chuyên |
Tác giả | Bùi Thạc Chuyên |
Sản xuất |
|
Diễn viên |
|
Quay phim | Nguyễn K'Linh |
Dựng phim |
|
Âm nhạc | Clovis Schneider |
Hãng sản xuất |
|
Phát hành | Galaxy Studio |
Công chiếu |
|
Thời lượng | 128 phút[1] |
Quốc gia | ![]() |
Ngôn ngữ | |
Kinh phí | 55 tỷ VND[2] |
Doanh thu | 158 tỷ VND[3] |
Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối (tiếng Anh: Tunnel: Sun in the Dark) là một bộ phim điện ảnh Việt Nam thuộc thể loại lịch sử – chiến tranh – chính kịch ra mắt vào năm 2025 do Bùi Thạc Chuyên làm đạo diễn kiêm viết kịch bản, và đồng thời còn là bộ phim đầu tay của ông dưới vai trò là nhà sản xuất. Với sự tham gia diễn xuất của các diễn viên gồm Thái Hòa, Quang Tuấn, Hồ Thu Anh, Diễm Hằng Lamoon, Hoàng Minh Triết, Anh Tú Wilson, Nhật Ý, Khánh Ly, A Tới, Cao Sang Lê và Cao Minh, tác phẩm theo chân một đội du kích cách mạng do Bảy Theo chỉ huy phải bảo vệ một nhóm thông tin tình báo chiến lược, cũng như phải chiến đấu bảo vệ địa đạo của họ trước sự xâm nhập của quân đội Mỹ.
Bùi Thạc Chuyên bắt đầu ấp ủ và phát triển dự án phim về địa đạo Củ Chi trong 10 năm kể từ sau khi thực hiện một bộ phim ngắn 3D về địa điểm này vào năm 2014. Sau khi trải qua hai lần thất bại vì nhiều nguyên nhân khác nhau, dự án bắt đầu triển khai vào năm 2022 với sự hỗ trợ từ những đơn vị tư nhân, qua đó trở thành bộ phim về chiến tranh đầu tiên của Việt Nam không sử dụng ngân sách nhà nước.[4] Bộ phim được ghi hình từ tháng 2 đến tháng 5 năm 2024 tại Củ Chi, với việc đoàn làm phim đã mô phỏng lại địa đạo thông qua chế tạo một đường hầm dài 250 m. Phần nhạc nền của bộ phim do Clovis Schneider biên soạn, với Hứa Kim Tuyền tham gia sáng tác và sản xuất ca khúc chủ đề "Mặt trời trong bóng tối", do Cao Minh và Diễm Hằng Lamoon thể hiện.
Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối có buổi họp báo và giới thiệu vào ngày 6 tháng 3 năm 2025,[5] và có buổi ra mắt vào ngày 31 tháng 3 tại thành phố Hồ Chí Minh và ngày 2 tháng 4 tại Hà Nội. Tác phẩm sau đó được công chiếu trên toàn quốc vào ngày 4 tháng 4 năm 2025 nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam. Sau khi ra mắt, tác phẩm nhận về những lời khen ngợi từ giới chuyên môn và hiện đang thu về 158 tỷ VND từ kinh phí sản xuất 55 tỷ VND.
Nội dung
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 1967, giữa lúc chiến tranh Việt Nam đang ở giai đoạn đỉnh điểm với trận càn Cedar Falls, đội du kích 21 người của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam do Bảy Theo chỉ huy tại căn cứ Bình An Đông trở thành mục tiêu "tìm và diệt" của quân đội Mỹ khi họ nhận nhiệm vụ bằng mọi giá phải bảo vệ nhóm thông tin tình báo chiến lược N38 mới đến ẩn náu tại căn cứ.[6]
Diễn viên
[sửa | sửa mã nguồn]- Thái Hòa trong vai Bảy Theo,[7][8] thủ lĩnh của đội du kích 21 thành viên tại căn cứ Bình An Đông ở địa đạo Củ Chi.
- Quang Tuấn trong vai Tư Đạp,[8][9] người chuyên chế tạo các loại vũ khí hỗ trợ cho đội du kích. Nhân vật Tư Đạp được xây dựng dựa trên hình mẫu của Tô Văn Đực, một vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân từng tham gia các trận đánh ở địa đạo Củ Chi.[9]
- Hồ Thu Anh trong vai Ba Hương,[8][10] thành viên của đội du kích tại căn cứ Bình An Đông, nổi bật nhờ bản lĩnh gan dạ và kiên cường.
- Diễm Hằng Lamoon trong vai Út Khờ,[11][12] thành viên của đội du kích tại căn cứ Bình An Đông, nổi bật nhờ sự ngây thơ, trong trẻo và yêu thích ca hát.
- Hoàng Minh Triết trong vai Hai Thưng,[8] thành viên trưởng của đội thông tin tình báo chiến lược N38.
- Anh Tú Wilson trong vai Lục Tạc,[8] thành viên của đội du kích tại căn cứ Bình An Đông.
- Nhật Ý trong vai Ba Hiếu,[8][10] thành viên của đội du kích tại căn cứ Bình An Đông và là người chuyên phục vụ trong căn bếp.
- Khánh Ly trong vai Cấm,[8][10] thành viên của đội du kích tại căn cứ Bình An Đông và là con gái của Bảy Theo.
- A Tới trong vai Bảy Sắt,[8] thành viên của đội du kích tại căn cứ Bình An Đông.
- Cao Sang Lê trong vai Sáu Lập,[8] thành viên của đội du kích tại căn cứ Bình An Đông.
- Cao Minh trong vai chú Sáu,[8] vị lão thành cách mạng và là người luôn khuyến khích tinh thần cho đội du kích.
Ngoài ra, bộ phim còn có sự tham gia diễn xuất của Karel Granat và Albert Kalimullin trong các vai Karen Smith và Terry, những người lính Mỹ tham chiến ở địa đạo Củ Chi; Dustin Phúc Nguyễn vào vai phiên dịch viên của quân đội Mỹ; Trần Gia Bảo vào vai Tuấn, một trong những thành viên của nhóm thông tin tình báo chiến lược N38; Bạch Ngọc Anh Thư vào vai một trong những thành viên quần chúng của đội du kích.[10] Bùi Thạc Phong, con trai của Bùi Thạc Chuyên, xuất hiện trong phim qua vai diễn thành viên đánh mã Morse của nhóm thông tin tình báo chiến lược N38.[2]
Sản xuất
[sửa | sửa mã nguồn]Phát triển
[sửa | sửa mã nguồn]
Năm 2014, Bùi Thạc Chuyên đã từng thăm địa đạo Củ Chi, sau đó ông thực hiện một dự án phim 3D về địa điểm này với thời lượng dài 10 phút, chính trải nghiệm đó đã giúp ông ấp ủ phát triển một bộ phim về địa đạo.[13][14] Để làm được điều đó, Chuyên và đoàn làm phim đã dành nhiều thời gian để trò chuyện với các cựu chiến sĩ du kích về những trải nghiệm của họ ở địa đạo Củ Chi, trong đó có Tô Văn Đực.[15]
Chuyên sau đó bắt đầu tập trung viết kịch bản và chỉnh sửa rất nhiều lần để phù hợp với nội dung, và hoàn thành kịch bản vào năm 2016.[8][14][16] Dự án từng được lên lịch triển khai vào năm 2017 song không đủ nguồn vốn để đầu tư, và ba năm sau, đã có một đơn vị sản xuất ở Úc ngỏ lời hợp tác với Chuyên để thực hiện bộ phim nhưng bất thành, một phần do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cũng như việc Chuyên lo ngại rằng nếu dự án quay tại Úc thì sẽ không hợp lý.[2][13]
Đến năm 2022, Chuyên cảm thấy đây là thời điểm phù hợp để bắt đầu triển khai dự án sau hai lần không thành công, và kết quả là có tới sáu nhà đầu tư đồng ý bỏ vốn đầu tư cho dự án.[2][13] Khi bắt tay hợp tác với Chuyên, Nguyễn Thành Nam, một trong những nhà đầu tư đóng góp kinh phí làm bộ phim, cho biết việc gặp gỡ đạo diễn để thực hiện tác phẩm này là "một cái gì đó để cùng nhau làm", bởi ông muốn "góp phần làm cho giới trẻ quan tâm, tìm hiểu và suy ngẫm về chiến tranh Việt Nam, đồng thời cũng giới thiệu cho những người Mỹ một góc nhìn khác về chiến tranh Việt Nam".[17] Theo chia sẻ của các đơn vị tư nhân, lý do cho việc lựa chọn địa đạo Củ Chi để đầu tư là do địa đạo cùng đường Trường Sơn được nhiều nhà nghiên cứu quân sự cho rằng đây là những công trình quân sự khoa học và kỳ vĩ; mà địa đạo Củ Chi là nơi đã giúp cho một lực lượng yếu "đứng vững trước sức ép" của một đối thủ mạnh.[18]
HKFilm, Galaxy Studio, Galaxy EE được xác nhận là các đơn vị sản xuất của bộ phim, trở thành bộ phim chiến tranh đầu tiên của Việt Nam không sử dụng kinh phí từ nhà nước.[8] Mặc dù vậy, bộ phim đã nhận được sự hỗ trợ từ đại diện của các cơ quan và tổ chức nhà nước gồm Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Quân khu 7, Ban Tuyên giáo Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh.[8][19]
Chọn diễn viên
[sửa | sửa mã nguồn]Thái Hòa là người được Bùi Thạc Chuyên lựa chọn cho vai diễn Bảy Theo, bởi Chuyên cho biết anh là "một diễn viên giỏi, hợp vai cả về ngoại hình lẫn tuổi tác".[20] Bản thân Thái Hòa cũng cho biết lý do anh tham gia bộ phim là do ông ngoại của vợ anh là một người lão thành cách mạng từng tham gia kháng chiến chống Mỹ ở địa đạo Củ Chi, cũng như sự khích lệ từ vợ của anh.[21] Với vai diễn Út Khờ, Chuyên đã chọn Diễm Hằng Lamoon bởi ông đã từng tình cờ xem cô tham gia cuộc thi Thần tượng âm nhạc Việt Nam vào năm 2023 và tỏ ra ấn tượng về sự hồn nhiên, trong sáng của cô; hơn nữa cô cũng từng theo học tại Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh.[12]
Để vào vai các du kích thời chiến, nhiều diễn viên đã phải giảm cân và phơi nắng để phù hợp theo yêu cầu của Bùi Thạc Chuyên,[22] ngoài ra một số diễn viên cũng phải thực hiện nhiều khóa huấn luyện riêng biệt nhằm đảm bảo rằng ngoại hình của các nhân vật phải được chân thực trong bối cảnh chiến tranh.[7] Bản thân Quang Tuấn cho biết anh đã phải giảm cân từ 77kg xuống còn 63kg chỉ trong vòng hai tháng và mỗi tuần đều phải báo cáo cân nặng cho đạo diễn.[19] Các diễn viên khác cũng phải thực hiện tương tự cho quá trình này, với Diễm Hằng Lamoon đã xuống cân 10 kg,[12] còn Hồ Thu Anh cũng đã phải giảm cân xuống khoảng 6 kg để bắt đầu ghi hình.[23][19]
Quay phim
[sửa | sửa mã nguồn]Bộ phim bắt đầu khởi quay vào ngày 24 tháng 2 năm 2024, với 14 giờ ghi hình mỗi ngày.[24] Những hình ảnh rò rỉ cho thấy diễn viên Thái Hòa đang mặc bộ trang phục du kích của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, bên cạnh đó Quang Tuấn và Hồ Thu Anh cũng xuất hiện tại phim trường.[7] Trước khi ghi hình, một phim trường ở Củ Chi cũng đã được thực hiện phục dựng như hình ảnh của địa đạo Củ Chi. Theo đạo diễn, đây là bộ phim thúc giục ông mãnh liệt nhất và khi thực hiện ông "cảm nhận được niềm tự hào về dân tộc, tình yêu Tổ quốc của các thế hệ đi trước".[7]
Để tái hiện lại địa đạo một cách chân thực nhất, đoàn làm phim đã chế tạo một mô hình đường hầm 250 m để mô phỏng địa đạo, do địa đạo thật có đường kính rất nhỏ và không thể đặt máy quay vào trong để quay phim.[17][25] Từ mô hình 3D, đội ngũ thiết kế đã sử dụng thạch cao và nhiều chất liệu khác để chế tạo đường hầm, với lớp trong cùng là đất, bề mặt được vẽ màu chi tiết, các hiệu ứng và rễ cây được bổ sung để tạo cảm giác chân thực cho mô hình.[25] Đối với cảnh bom nổ trên mặt đất và dưới địa đạo chịu rung chấn, đoàn làm phim đã làm một bệ lớn và đặt mô hình đường hầm lên trên, sau đó họ thuê các kỹ sư thiết kế máy tạo rung động với tần số phù hợp. Bên cạnh đó, đoàn còn chế tạo một máy để làm sập hầm, đất phủ lên người diễn viên đối với cảnh xe tăng càn quét khu rừng.[25][26] Việc tái hiện cảnh bên ngoài địa đạo được thực hiện tại một cánh rừng ven sông Sài Gòn ở Củ Chi.[17][25] Theo đó, đoàn làm phim đã thuê sáu héc-ta rừng, sử dụng nhiều thuốc nổ để tạo khoảng 50 hố bom nhưng vẫn phải đảm bảo về môi trường.[25] Ngoài ra, đoàn còn huy động một loạt những vũ khí siêu hạng mà Mỹ đã từng sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.[17][15]
Nguyễn K'Linh, đạo diễn hình ảnh của bộ phim, cho biết anh gặp khó khăn trong việc lắp đặt ánh sáng, thiết bị vào máy quay vì đường hầm không đủ không gian để thực hiện, hơn nữa các cảnh quay đều phải được thực hiện bằng tay bởi địa điểm quá chật hẹp và không thể lắp đường ray cho máy quay di chuyển được.[25][27][28] Địa hình phức tạp và không gian hạn chế của địa đạo đã khiến thời gian ghi hình tốn gấp sáu lần so với những tác phẩm khác, có lúc đã khiến hình ảnh quay rung đến mức không thể sử dụng được, điều này đã buộc tổ quay phim phải tập thể lực một cách nghiêm túc để làm quen với việc ghi hình tại bối cảnh này.[27] Ngày 16 tháng 5 năm 2024, bộ phim chính thức đóng máy, kết thúc quá trình ghi hình kéo dài gần ba tháng, và bước vào giai đoạn hậu kỳ.[29][30]
Nhạc phim
[sửa | sửa mã nguồn]
Phần nhạc nền của bộ phim do nhà soạn nhạc người Pháp Clovis Schneider phụ trách thực hiện. Lý giải về việc chọn Schneider thực hiện phần nhạc phim, Bùi Thạc Chuyên cho biết do thời gian sản xuất rất gấp nên ông đã chủ động tìm kiếm và hợp tác với một nhạc sĩ quốc tế để đảm bảo tiến độ, hơn nữa ông chọn Schneider bởi anh từng làm nhạc cho phim Việt Nam (cụ thể là In the Nguyễn Kitchen, một bộ phim có yếu tố về Việt Nam của nhà làm phim người Pháp gốc Việt Stéphane Lý Cường).[31][32] Nhằm thống nhất với đạo diễn về việc phải sử dụng các nhạc cụ Việt Nam trong bản nhạc phim, Schneider đã mua một cây đàn guitar phím lõm để tập cách sử dụng trong quá trình biên soạn.[31] Bên cạnh đó, nhằm tri ân cho dòng nhạc cải lương, ca khúc vọng cổ "Tần Quỳnh khóc bạn" của soạn giả Viễn Châu đã được sử dụng trong một cảnh phim do nhân vật Út Khờ của Diễm Hằng Lamoon thể hiện.[6]
"Mặt trời trong bóng tối" được tiết lộ là ca khúc chủ đề của bộ phim, xuất hiện ở phần danh đề và hình ảnh tư liệu về địa đạo Củ Chi ở cuối phim. Do Hứa Kim Tuyền tham gia sáng tác và sản xuất,[6][33][34] ca khúc được Cao Minh và Diễm Hằng Lamoon thể hiện cùng với phần hòa giọng hỗ trợ của nhóm dàn ca Saigon Choir, qua đó đánh dấu đây là ca khúc đầu tiên của Hứa Kim Tuyền không thuộc thể loại nhạc pop so với những ca khúc mà anh từng thực hiện trước đây.[33][35][36] Chia sẻ về việc thực hiện ca khúc này, Tuyền cho biết anh chỉ có 13 ngày để hoàn thành bài hát nhằm đẩy kịp tiến độ cho khâu hậu kỳ của bộ phim, đồng thời mong muốn bày tỏ tấm lòng, sự tri ân và trân trọng dành cho những vị anh hùng đã hy sinh và dành cho đất nước trong ngày trọng đại này.[35] Để làm được điều này, Tuyền đã phải tìm kiếm và lắng nghe một số bài hát về cách mạng cũng như các ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ, đồng thời nhận được sự hỗ trợ của Cao Minh và ba thành viên trong đội ngũ sản xuất âm nhạc S-Hube gồm Trid Minh, Trần Dũng Khánh (TDK) và Nguyễn Thanh Bình (N.T.B) – người đồng tham gia soạn nhạc với Tuyền và chịu trách nhiệm phần hòa âm phối khí cho bài hát.[35] Toàn bộ phần lời hát chính do Cao Minh thể hiện được Tuyền viết dựa theo lời thơ của chính Bùi Thạc Chuyên, mang dấp dáng "hiện thân của lớp chiến sĩ kỳ cựu", trong khi Diễm Hằng Lamoon thể hiện một phần điệp khúc mang đậm chất dân ca Nam Bộ, đại diện cho "thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết, sẵn sàng kế thừa và tiếp nối sự nghiệp của các bậc cha chú đi trước".[35][34] Video âm nhạc kèm lời của ca khúc được phát hành vào ngày 7 tháng 4 năm 2025, cùng thời điểm ra mắt ca khúc chủ đề của bộ phim, và nhận về những lời khen ngợi từ khán giả.[34]
Phát hành
[sửa | sửa mã nguồn]Quảng bá
[sửa | sửa mã nguồn]Ngày 30 tháng 4 năm 2024, áp phích teaser của phim và một đoạn teaser ngắn đầu tiên được công bố. Ngày 21 tháng 12 năm 2024, áp phích tiếp theo và một đoạn teaser trailer dài hơn 1 phút của phim đã được ra mắt.[22] Tối ngày 5 tháng 3 năm 2025, trailer chính thức của bộ phim đã được ra mắt.[37][38]
Ngày 31 tháng 3 năm 2025, bộ phim có buổi ra mắt tại thành phố Hồ Chí Minh, với sự quy tụ của dàn diễn viên, đoàn làm phim và những nhân vật khách mời.[39][40][41] Đến ngày 2 tháng 4, bộ phim có buổi ra mắt tại Hà Nội.[31][42][43]
Công chiếu
[sửa | sửa mã nguồn]Bộ phim ban đầu được dự kiến phát hành vào ngày 30 tháng 4 năm 2025, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng sau đó được đẩy lên công chiếu vào ngày 4 tháng 4 năm 2025.[24][8][44] Trước sức ảnh hưởng và thành công to lớn của bộ phim, một phiên bản đặc biệt của bộ phim với thời lượng dài 125 phút đã được ra mắt trước ngày 30 tháng 4 như là một món quà cảm ơn gửi đến khán giả.[45]
Đón nhận
[sửa | sửa mã nguồn]Doanh thu
[sửa | sửa mã nguồn]Tính đến ngày 25 tháng 4 năm 2025, bộ phim hiện đang thu về 157,8 tỷ VND kể từ sau ngày khởi chiếu chính thức và hai ngày chiếu sớm.[46][3] Tờ Tuổi Trẻ cho biết rằng bộ phim cần phải thu về khoảng 180 tỷ VND để hòa vốn.[47]
Ngày 10 tháng 4 năm 2025, bộ phim đã vượt mức 100 tỷ VND chỉ sau một tuần công chiếu, qua đó trở thành bộ phim lịch sử – chiến tranh đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Việt Nam cán mốc thành tích này, đồng thời còn là bộ phim Việt Nam thứ sáu có doanh thu phòng vé vượt 100 tỷ VND trong năm 2025, sau Bộ tứ báo thủ (332,2 tỷ VND), Nụ hôn bạc tỷ (211,6 tỷ VND), Đèn âm hồn (106 tỷ VND), Nhà gia tiên (242,5 tỷ VND), và Quỷ nhập tràng (149,7 tỷ VND).[48][49][50][51][52] Trong dịp cuối tuần từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 4, bộ phim bán được 118 nghìn vé cho khán giả và thu về thêm 11 tỷ VND, nâng tổng mức doanh thu lên đến hơn 150 tỷ VND.[53]
Đánh giá
[sửa | sửa mã nguồn]Đánh giá trong ngành
[sửa | sửa mã nguồn]— Lê Hồng Lâm, chia sẻ trên báo Dân Trí.[54]
Bộ phim nhận được những lời khen ngợi của những người trong nghề vì tinh thần dấn thân, lăn xả của toàn bộ đoàn làm phim ngay khi bộ phim ra mắt. Trong buổi ra mắt bộ phim tại Hà Nội, diễn viên Xuân Bắc – Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam – đã bày tỏ mong muốn khán giả sẽ không bỏ qua bộ phim này, đặc biệt là các bạn trẻ, những cá nhân "luôn hừng hực trái tim yêu nước, hướng đến những giá trị truyền thống nhân văn của dân tộc ta hay những ai đang tìm kiếm thước phim về tháng ngày chiến đấu của cha ông ta".[42] Nhà làm phim Phi Tiến Sơn cho biết đây là tác phẩm "dành cho mọi lứa tuổi", bởi nếu thế hệ trẻ cần hiểu về lịch sử đấu tranh của cha ông thì những thế hệ khác xem phim "để không quên đi những ngày tháng hào hùng, bi tráng của dân tộc giữa cuộc sống nhiều biến chuyển".[42] Trong khi đó, Đỗ Kỷ khẳng định bộ phim đã hoàn toàn chinh phục ông, còn diễn viên Lan Hương dành lời khen ngợi cho bộ phim, đặc biệt là các diễn viên trẻ; và bà cũng mong khán giả trẻ hãy đi xem để thấy giá trị cuộc sống hòa bình hôm nay đã được đánh đổi bởi những gì đã diễn ra trong thời chiến. Đạo diễn Nguyễn Xuân Sơn cho biết khi xem phim, ông không thấy diễn viên mà chỉ thấy những người lính đang chiến đấu tại Củ Chi.[42] Bản thân Bùi Thạc Chuyên cho biết khi thực hiện bộ phim này, ông mong muốn "càng nhiều người xem càng tốt" để cảm nhận được sự kiên cường, bất khuất của cha ông ngày trước.[42]
Cục trưởng Cục Điện ảnh Đặng Trần Cường nhận định đây là tác phẩm đáng tự hào của nền điện ảnh Việt Nam, mong bộ phim sẽ chạm đến trái tim của nhiều thế hệ khán giả nước nhà, riêng nhà làm phim Phan Gia Nhật Linh cho biết đã lâu lắm rồi anh mới được xem một tác phẩm điện ảnh "hoành tráng" đến như thế.[55] Nhà làm phim Charlie Nguyễn nhận định rằng đã lâu lắm rồi mới có một trải nghiệm điện ảnh "sướng" như vậy, bởi bộ phim xứng đáng được phát hành trên toàn thế giới.[55] Một số nhân vật nổi bật như Đỗ Thanh Hải, Như Quỳnh hay Nguyễn Khải Anh đều bày tỏ sự thán phục và xúc động sau khi xem xong bộ phim.[31]
Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm cho rằng Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối xứng đáng có một buổi ra mắt quốc tế ở một liên hoan phim quốc tế lớn. Anh nhận định cảnh du kích đánh trận hoặc tấn công lính Mỹ trong phim "rất ấn tượng và đáng sợ vì cái chất thô mộc. Đây cũng có thể là tính từ chính xác nhất để mô tả cuộc chiến tranh du kích của người lính Việt Nam trong lòng địa đạo".[55] Lâm còn cho biết chiến thắng của bộ phim đã giúp phá bỏ những khuôn mẫu mang tính minh họa mà các tác phẩm về chiến tranh khác từng mắc phải, thay vào đó là sự trần trụi đến chân thực trong từng chi tiết; đồng thời còn tạo ra cơ hội cho những bộ phim Việt Nam khác về đề tài lịch sử, chiến tranh được đầu tư và sản xuất bài bản trong tương lai.[54] Còn nhà biên kịch kiêm nhà văn Nguyễn Quang Lập cho rằng bộ phim xứng đáng được chọn đại diện cho nước nhà để dự thi vòng sơ loại của giải Oscar cho phim quốc tế hay nhất vào năm 2026, bởi ông cho rằng bộ phim đáp ứng về mặt kỹ thuật và đề tài dễ thu hút, thậm chí có thể được đề cử nếu thành công.[56]
Đánh giá chuyên môn
[sửa | sửa mã nguồn]Giống như những người trong nghề, bộ phim nhận về những lời khen ngợi từ giới chuyên môn. Nhà báo Mai Nhật trên tờ VnExpress đã chấm bộ phim với số điểm 8,7/10, anh cho biết bộ phim "không bám theo một câu chuyện cụ thể hoặc xoay quanh một gương mặt chính", mà "được xây dựng với tính cách đặc trưng, tạo nên hệ thống nhân vật đa màu sắc". Ngoài ra, anh cũng dành lời khen cho nỗ lực của đoàn làm phim về khâu thiết kế mỹ thuật, quay phim và âm thanh, mặc dù cảm thấy tiếc nuối vì bộ phim không tập trung vào tuyến nhân vật cụ thể nên không đủ kịch tính để đẩy cảm xúc của khán giả lên cao trào.[6] Viết trên tờ Tuổi Trẻ, Hà Trang dành những lời khen ngợi cho sự táo bạo của Bùi Thạc Chuyên khi lựa chọn không gian hẹp của địa đạo với tông màu nâu đất, giúp cho màu phim mang cảm giác hoài niệm cho khán giả. Cô cũng tỏ ra ấn tượng với cách kể chuyện liền mạch và tính nhân văn sâu sắc của bộ phim, gợi nhớ đến bộ phim Giải cứu binh nhì Ryan (1998) của Steven Spielberg và 1917 (2019) của Sam Mendes.[57] Phóng viên Nick M dành những lời khen ngợi về diễn xuất của dàn diễn viên và cách tiếp cận của bộ phim, cho rằng tác phẩm "chọn góc nhìn thô ráp, thực tế và sự bí bách bên dưới địa đạo" để "tái hiện các lát cắt của một thời kỳ lịch sử và khơi gợi tinh thần yêu dân tộc", thay vì tập trung vào yếu tố bi kịch thường thấy ở nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh.[58]
Trong khi đó, cây viết Bích Duyên trên tờ Phú Yên đã dành những lời khen ngợi về việc "kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa cảm hứng sử thi và cảm hứng đời thường, giữa chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực", cũng như những yếu tố nghệ thuật và góc nhìn đa chiều về chiến tranh lẫn con người trong thời chiến, qua đó chạm vào cảm xúc của người xem.[59] Tác giả Châu Xuyên trên tờ Quân đội nhân dân đánh giá bộ phim không chỉ "kể lại một câu chuyện lịch sử mà còn thắp lên ngọn lửa của ký ức, của lòng tự hào và cả khát vọng vươn tới ánh sáng từ những tầng sâu tăm tối".[60] Còn nhà báo Mai Phương trên tờ Người Lao Động nhận định bộ phim đã truyền tải được tinh thần của những chiến sĩ trẻ tuổi, điện ảnh hóa câu chuyện lịch sử tưởng chừng khô khan, giúp người xem hiểu được những vất vả, khó khăn khi sinh hoạt và chiến đấu bên trong địa đạo.[61]
Tranh cãi
[sửa | sửa mã nguồn]Dù nhận nhiều lời khen từ giới chuyên môn và khán giả, bộ phim cũng nhận về nhiều tranh cãi khi một số khán giả cho rằng họ không có được cảm xúc bi tráng, khí thế oai hùng, xúc động mạnh mẽ khi xem phim. Trên các diễn đàn phim ảnh, nhiều khán giả cũng có ý kiến bày tỏ về việc phim cắt dựng quá nhanh, lời thoại khó nghe khiến khán giả bị chi phối khi xem, cũng như việc họ không nắm bắt được hết tuyến nhân vật và khó theo dõi được mạch phim.[62][63] Trên thực tế, Bùi Thạc Chuyên đã lường trước được những điều này từ sớm, ông cho biết hầu hết phim chiến tranh sẽ chọn góc khai thác bối cảnh những chiến trận do hai bên quân đội đấu với nhau. Riêng về việc phim bị chỉ trích về phần cắt dựng quá nhanh, ông tiết lộ bản dựng ban đầu của phim dài hơn 180 phút nhưng sau đó phải cắt ngắn xuống còn 128 phút, trong đó có một cảnh mà ông rất tâm đắc, đó là nội tâm của nhân vật Bảy Theo trước khi hi sinh.[64][65][66] Ông đồng thời khẳng định bản thân ông luôn làm phim theo lối kể chuyện khiêm nhường, không khoa trương, không mang dụng ý dẫn dắt và định hướng khán giả, luôn sẵn sàng đón nhận những ý kiến khác nhau từ họ.[63]
Bên cạnh tranh cãi về nhịp phim, tác phẩm cũng gây tranh cãi khi có hai cảnh ân ái giữa nhân vật Út Khờ với người đàn ông giấu mặt và hai nhân vật Ba Hương và Tư Đạp trong phim.[67][68][62] Trả lời về vấn đề này, Bùi Thạc Chuyên giải thích rằng cả hai cảnh này đều thể hiện tiếng nói của khát vọng sống mãnh liệt giữa lằn ranh sinh tử và tất cả đều lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thật trong thời chiến.[69]
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Minh Phúc (ngày 2 tháng 4 năm 2025). "'Địa đạo': Xem để tự hào về một thế hệ yêu nước vĩ đại". Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2025.
- ^ a b c d Mỹ Anh (ngày 1 tháng 4 năm 2025). "Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên kể hậu trường khủng khiếp của phim lịch sử 55 tỷ 'Địa đạo'". VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2025.
- ^ a b "Doanh số phòng vé phim Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối". Box Office Vietnam. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2025.
- ^ Hà Phương (ngày 7 tháng 3 năm 2025). "Bộ phim chiến tranh đầu tiên của Việt Nam không sử dụng ngân sách nhà nước". VOV. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 3 năm 2025. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2025.
- ^ An An (ngày 6 tháng 3 năm 2025). "Bí mật đằng sau những cảnh quay dưới lòng đất của phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối". Báo Giao Thông. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 3 năm 2025. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2025.
- ^ a b c d Mai Nhật (ngày 4 tháng 4 năm 2025). "'Địa đạo' - khúc tráng ca dưới lòng đất". VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2025.
- ^ a b c d Mai Nhật (ngày 25 tháng 2 năm 2024). "Thái Hòa đóng du kích trong phim về thời kháng chiến". VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 3 năm 2025. Truy cập ngày 29 tháng 2 năm 2024.
- ^ a b c d e f g h i j k l m n Mi Ly (ngày 26 tháng 2 năm 2024). "Sau 10 năm ấp ủ, phim Địa đạo khởi quay để chiếu dịp 50 năm giải phóng miền Nam". Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 3 năm 2025. Truy cập ngày 25 tháng 3 năm 2025.
- ^ a b Lê Chi (ngày 9 tháng 4 năm 2025). "Cảnh cưa bom nghẹt thở trong phim 'Địa đạo'". VTC News. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2025.
- ^ a b c d Quỳnh Tâm (ngày 10 tháng 4 năm 2025). "Dàn mỹ nhân trong "Địa đạo": Trên phim lấm lem, ngoài đời sắc vóc nổi bật". Báo Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2025.
- ^ Hương Huyền (ngày 23 tháng 2 năm 2024). "Diễm Hằng Lamoon từ Vietnam Idol 2023 tới phim điện ảnh mới của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên". Báo điện tử VTV. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 29 tháng 2 năm 2024.
- ^ a b c Yên Ngọc (ngày 28 tháng 3 năm 2025). "Diễm Hằng Lamoon: Cô du kích Út Khờ đáng yêu trong phim Địa đạo". Báo Mực Tím. Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 3 năm 2025. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2025.
- ^ a b c Mi Ly (ngày 30 tháng 4 năm 2024). "Địa đạo và giấc mơ 10 năm của Bùi Thạc Chuyên về bộ phim cho ngày hòa bình". Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 3 năm 2025. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2024.
- ^ a b Lan Dương (ngày 28 tháng 3 năm 2025). "Phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối": Những câu chuyện từ lòng đất Củ Chi". Báo Đại Đoàn Kết. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 3 năm 2025. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2025.
- ^ a b Hà Thúy Phương (ngày 20 tháng 3 năm 2025). "Dàn diễn viên trẻ hé lộ hậu trường khốc liệt của "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối"". Báo Dân Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 3 năm 2025. Truy cập ngày 20 tháng 3 năm 2025.
- ^ Đậu Dung (ngày 2 tháng 9 năm 2024). "Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và phim Địa đạo: Câu chuyện ở Củ Chi rất rực rỡ". Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 12 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2025.
- ^ a b c d Linh Khánh (ngày 25 tháng 3 năm 2025). ""Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối": Huy động vũ khí hạng nặng cùng hàng nghìn diễn viên quần chúng". Báo Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 3 năm 2025. Truy cập ngày 25 tháng 3 năm 2025.
- ^ Phạm Tuấn (ngày 27 tháng 2 năm 2024). "Địa đạo Củ Chi lên màn ảnh". Báo Nông nghiệp. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 29 tháng 2 năm 2024.
- ^ a b c Nhã An (ngày 25 tháng 2 năm 2024). "Thái Hòa, Quang Tuấn giảm cân đóng phim thời chiến của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên". Báo Pháp luật Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 29 tháng 2 năm 2024.
- ^ Thu Thủy (ngày 11 tháng 3 năm 2025). "Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: 'Câu chuyện về địa đạo Củ Chi ám ảnh tôi'". Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 3 năm 2025. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2025.
- ^ Lê Giang (ngày 6 tháng 3 năm 2025). "Một tháng đóng 'Địa đạo', diễn viên khóc không biết bao nhiêu lần". Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 12 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2025.
- ^ a b Thạch Anh (ngày 30 tháng 4 năm 2024). "'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối' hé lộ hình ảnh đầu tiên". Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 27 tháng 8 năm 2024.
- ^ Phong Kiều (ngày 24 tháng 2 năm 2024). "Thái Hòa, Quang Tuấn siết cân, đóng du kích trong phim mới của Bùi Thạc Chuyên". Báo Ngôi sao. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 11 năm 2024. Truy cập ngày 29 tháng 2 năm 2024.
- ^ a b Mai Nhật (ngày 29 tháng 8 năm 2024). "Bùi Thạc Chuyên: 'Tôi làm phim Địa đạo vì mê sử Việt'". VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 2 năm 2025. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2024.
- ^ a b c d e f Mai Nhật (ngày 12 tháng 3 năm 2025). "Hậu trường chế tạo hầm 250 m quay phim 'Địa đạo'". VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 3 năm 2025. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2025.
- ^ H.Nhu (ngày 12 tháng 3 năm 2025). "Hé lộ hậu trường xây địa đạo "giả" quay phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối"". Báo Phụ nữ. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 3 năm 2025. Truy cập ngày 25 tháng 3 năm 2025.
- ^ a b Leo Nguyễn (ngày 13 tháng 3 năm 2025). "Ê kíp 'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối' hé lộ bí kíp để quay phim trong không gian chật hẹp". Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 3 năm 2025. Truy cập ngày 25 tháng 3 năm 2025.
- ^ Lê Giang (ngày 12 tháng 3 năm 2025). "Thái Hòa kể chuyện còng lưng cả tháng trời đóng phim 'Địa đạo'". Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 3 năm 2025. Truy cập ngày 25 tháng 3 năm 2025.
- ^ Lê Xuân Mạnh (ngày 16 tháng 5 năm 2024). "Phim điện ảnh Địa Đạo vừa kết thúc ngày quay cuối cùng". Facebook. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 3 năm 2025. Truy cập ngày 21 tháng 9 năm 2024.
- ^ Minh Tòng (ngày 19 tháng 3 năm 2023). "Địa Đạo: Mặt trời trong bóng tối - Tái hiện vùng đất Củ Chi anh hùng trên màn ảnh rộng". HTV. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 3 năm 2025. Truy cập ngày 25 tháng 3 năm 2025.
- ^ a b c d Mỹ Anh (ngày 3 tháng 4 năm 2025). "NSND Như Quỳnh run người khi xem 'Địa đạo'". VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2025.
- ^ "Clovis Schneider". World Soundtrack Awards (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 12 năm 2024. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2025.
- ^ a b Di Py (ngày 8 tháng 4 năm 2024). "Phim Địa đạo đạt doanh thu 82 tỉ đồng, ê-kíp tung nhạc phim gây chú ý". Lao Động Trẻ. Báo Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 8 tháng 4 năm 2025.
- ^ a b c Đậu Dung (ngày 8 tháng 4 năm 2025). "Nhạc phim Địa đạo: Bi tráng, rưng rưng tự hào, xứng đáng nhạc phim của năm". Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 8 tháng 4 năm 2025.
- ^ a b c d An Nhi (ngày 5 tháng 4 năm 2025). "Nhạc sĩ đứng sau OST Địa Đạo: Chỉ có 13 ngày để hoàn thành ca khúc, biết ơn vì là một phần của dự án". Phụ nữ số. Báo Phụ nữ Thủ đô. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2025.
- ^ Mai Trang (ngày 8 tháng 4 năm 2025). "NSƯT Cao Minh và Diễm Hằng Lamoon vừa diễn vừa hát trong phim "Địa đạo"". VOV. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 8 tháng 4 năm 2025.
- ^ Lê Giang (ngày 5 tháng 3 năm 2025). "Trailer cay mắt: Địa đạo chìm trong bóng tối lặng im, mặt đất rung dưới làn xích xe tăng". Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 3 năm 2025. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2025.
- ^ Thanh Chi (ngày 6 tháng 3 năm 2025). "'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối' tung trailer, kể cuộc chiến khốc liệt ở Củ Chi". Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 3 năm 2025. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2025.
- ^ Thạch Duy Anh (ngày 1 tháng 4 năm 2025). "Ra mắt phim 'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối'". Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2025.
- ^ Thu Vân, Bảo Trâm (ngày 31 tháng 3 năm 2025). "Nghệ sĩ Việt hào hứng dự buổi công chiếu phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối"". Báo Phụ nữ. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2025.
- ^ Mai Nhật, Thanh Tùng (ngày 1 tháng 4 năm 2025). "Thái Hòa cùng dàn sao ra mắt phim 'Địa đạo'". VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2025.
- ^ a b c d e Thạch Anh (ngày 3 tháng 4 năm 2025). "Cục trưởng Xuân Bắc nói gì về phim 'Địa đạo' của Bùi Thạc Chuyên?". Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2025.
- ^ Tùng Đinh, Hà Thu (ngày 3 tháng 4 năm 2025). "Dàn nghệ sĩ ủng hộ phim 'Địa đạo'". VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2025.
- ^ Linh Khánh (ngày 3 tháng 9 năm 2024). "Phim "Địa Đạo: Mặt trời trong bóng tối" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên khởi chiếu 4/4/2025". Báo Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 3 năm 2025. Truy cập ngày 25 tháng 10 năm 2024.
- ^ Đậu Dung (ngày 25 tháng 4 năm 2025). "Doanh thu gần 160 tỉ, Bùi Thạc Chuyên cho ra rạp bản phim Địa đạo đặc biệt như lời cảm ơn". Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2025.
- ^ Lê Giang (ngày 7 tháng 4 năm 2025). "'Địa đạo' bùng nổ, thu 62 tỉ dù suất chiếu ít hơn phim Tết của Trấn Thành". Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2025.
- ^ Mi Ly (ngày 7 tháng 4 năm 2025). "Bùi Thạc Chuyên đau đớn vì 'Địa đạo'". Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2025.
- ^ Lê Giang (ngày 10 tháng 4 năm 2025). "Doanh thu Địa đạo đã cán mốc 100 tỉ, lên 200 tỉ nổi không?". Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2025.
- ^ Quế Chi (ngày 11 tháng 4 năm 2025). "'Địa đạo' vượt doanh thu 100 tỷ đồng". VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2025.
- ^ An Anh (ngày 10 tháng 4 năm 2025). "'Địa đạo' vượt mốc 100 tỷ đồng". Znews. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2025.
- ^ Phương Phương (ngày 11 tháng 4 năm 2025). "'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối' vượt mốc 100 tỷ đồng". Báo điện tử VTV. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2025.
- ^ Thạch Anh (ngày 10 tháng 4 năm 2025). "'Địa đạo' có Thái Hòa, Quang Tuấn đạt doanh thu 100 tỉ đồng". Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2025.
- ^ Mai Nhật (ngày 21 tháng 4 năm 2025). "Doanh thu 'Địa đạo' vượt 150 tỷ đồng". VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 21 tháng 4 năm 2025.
- ^ a b Lê Hồng Lâm (ngày 8 tháng 4 năm 2025). "Chiến thắng nức lòng của "Địa Đạo: Mặt trời trong bóng tối"". Báo Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 8 tháng 4 năm 2025.
- ^ a b c Lê Giang (ngày 1 tháng 4 năm 2025). "Nức lòng Địa đạo: 'Xứng đáng phát hành khắp thế giới'". Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2025.
- ^ Nguyễn Quang Lập (ngày 14 tháng 4 năm 2025). "'Địa đạo' có thể tranh giải Oscar, đừng vội phì cười!". Báo Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2025.
- ^ Hà Trang (ngày 7 tháng 4 năm 2025). "Địa đạo mở ra trang mới của phim chiến tranh Việt Nam". Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2025.
- ^ Mai Trang (ngày 11 tháng 4 năm 2025). "Phim "Địa đạo" chân thật đến nghẹt thở, xem phim để thấu hiểu giá trị của hòa bình". VOV. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2025.
- ^ Bích Duyên (ngày 13 tháng 4 năm 2025). "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối - Khúc ca bi tráng về chiến tranh nhân dân". Báo Phú Yên. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2025.
- ^ Châu Xuyên (ngày 10 tháng 4 năm 2025). "Điểm cộng cho phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối"". Báo Quân đội nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2025.
- ^ Mai Phương (ngày 2 tháng 4 năm 2025). ""Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" - phim đáng xem!". Báo Người Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2025.
- ^ a b Mi Ly (ngày 14 tháng 4 năm 2025). "Tranh cãi khi xem Địa đạo: Cảnh nóng có cần thiết? Ai cưỡng hiếp Út Khờ? Hai Thưng... gian thế?". Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2025.
- ^ a b Bình An (ngày 15 tháng 4 năm 2025). "Địa đạo vượt 130 tỉ đồng doanh thu, đủ hòa vốn nhưng vướng tranh cãi". Báo Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 15 tháng 4 năm 2025.
- ^ Thuận Minh (ngày 12 tháng 4 năm 2025). "Bùi Thạc Chuyên: 'Tôi đau đớn khi buộc phải cắt cảnh của Thái Hòa'". Znews. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2025.
- ^ Hà Phương (ngày 5 tháng 4 năm 2025). "Thái Hòa tiếc nuối vì bị cắt cảnh quay trong "Địa đạo"". VOV. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 5 tháng 4 năm 2025.
- ^ Nguyên An (ngày 12 tháng 4 năm 2025). "Thái Hòa: 'Tôi tức và tiếc khi cảnh tâm đắc bị cắt'". Báo Ngôi sao. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2025.
- ^ Hoàng Nhi (ngày 16 tháng 4 năm 2025). "Tranh cãi vai Út Khờ và cảnh nóng trong 'Địa đạo'". Znews. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2025.
- ^ Hương Hồ (ngày 8 tháng 4 năm 2025). "Tranh cãi cảnh "nóng" ở phim Địa đạo: Chân thực hay thi vị hóa chiến tranh?". Báo Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 8 tháng 4 năm 2025.
- ^ Hương Hồ; Nguyễn Hà Nam (ngày 4 tháng 4 năm 2025). "Bùi Thạc Chuyên nói gì về các tình tiết dễ gây tranh cãi ở "Địa đạo"?". Báo Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2025.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Phim năm 2025
- Phim Việt Nam
- Phim Việt Nam năm 2025
- Phim tiếng Việt
- Phim tiếng Anh
- Phim tiếng Anh thập niên 2020
- Phim lấy bối cảnh ở Sài Gòn
- Phim về chiến tranh Việt Nam
- Phim Việt Nam thập niên 2020
- Phim do Bùi Thạc Chuyên đạo diễn
- Phim quay tại Việt Nam
- Phim lịch sử Việt Nam
- Phim chiến tranh Việt Nam
- Phim chính kịch Việt Nam
- Phim của HKFilm
- Phim của Galaxy Studio