Bước tới nội dung

Đài Truyền hình Việt Nam (Việt Nam Cộng hòa)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Đài Truyền hình Sài Gòn)
Đài Truyền hình Việt Nam-VNCH
Quốc giaViệt Nam Cộng hòa
Khu vực
phát sóng
Việt Nam Cộng hòa
Cộng hòa Khmer
Trụ sởSài Gòn, Việt Nam Cộng hòa
Sở hữu
Chủ sở hữuNha vô tuyến truyền hình trực thuộc Tổng cuộc Truyền thanh Truyền hình và Điện ảnh
Lịch sử
Lên sóng22 tháng 1 năm 1966; 58 năm trước (1966-01-22) (Thử nghiệm)
7 tháng 2 năm 1966; 58 năm trước (1966-02-07) (Chính thức)
Đóng cửa29 tháng 4 năm 1975; 49 năm trước (1975-04-29)
Thay thế bởiĐài Truyền hình Sài Gòn Giải phóng (1975 - 1976)
Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (1976 - nay)

Đài Truyền hình Việt Nam (THVN)[1] hay còn gọi là Đài Truyền hình Sài Gòn là đài vô tuyến truyền hình thuộc Nha Vô tuyến Truyền hình Việt Nam của Việt Nam Cộng hòa. Đài Sài Gòn phát sóng trên băng tần số 9 nên cũng được gọi là Đài số 9, phát hình trắng đen với tiêu chuẩn kỹ thuật truyền hình Hệ FCC - điều tần tiếng 4,5 MHz (nay là kênh HTV9 của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh). Đài Sài Gòn hoạt động từ ngày 7 tháng 2 năm 1966 đến ngày 29 tháng 4 năm 1975. Đây là đài truyền hình đầu tiên của Việt Nam.

Đài THVN do Tổng cục Truyền thanh, Truyền hình và Điện ảnh điều hành dưới quyền Bộ Dân vận.[2]

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]
Ban hợp ca của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ từng góp mặt trên đài truyền hình

Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) được thành lập năm 1965; buổi phát hình đầu tiên của Đài là ngày 7 tháng 2 năm 1966 vào lúc 19 giờ và lần cuối cùng là 23 giờ 57 phút ngày 29 tháng 4 năm 1975. Trong thời gian đầu phát điểm là từ trên không trung bằng kỹ thuật stratovision do phi cơ gài ăng ten bay trên không phận Sài Gòn cách mặt đất 3–6 km. Kỳ phát hình đó ghi hình ảnh của Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ và đại sứ Mỹ Cabot Lodge.[3] Khu vực bắt sóng bao trùm đông Nam phần và nam Trung phần, từ Phan Thiết đến Long An đều xem được. Lúc đầu phát hình một giờ đồng hồ[4] sau tăng thời lượng lên hai giờ đồng hồ. Ngày 25 tháng 10 năm 1966 thì mới lập cơ sở trên mặt đất trong thành phố.[5] Đoàn cải lương Dạ Lý Hương với vở "Yêu Người Điên" do nghệ sĩ Hùng Cường, Bạch Tuyết thủ vai chính được thu hình và phát sóng đầu tiên.

Cùng lúc với việc thiết lập Đài Truyền hình Việt Nam là đài của Quân đội Hoa Kỳ phát bằng tiếng Anh, lúc đầu gọi là AFRTS (Armed Forces Radio Television Service), đến năm 1967 thì đổi là AFVN (Armed Forces Vietnam Network).[3] Đài THVN được phát trên băng tần số 9 trong khi đài AFVN phát tín trên băng tần số 11.[6] AFVN đã trình chiếu hình ảnh phi hành gia Neil Armstrong đáp xuống Mặt Trăng năm 1969 cho khán giả ở Miền Nam xem.[7]

Trụ sở thu hình lúc đầu dùng chung cơ sở của Trung tâm Điện ảnh Quốc gia số 9 trên đường Thi Sách,[8] đến năm 1967 thì tách ra thành Phòng Điện ảnh và Phòng Truyền hình riêng.[9] Đài Truyền hình chuyển về số 9 đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai), Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), sau này là trụ sở của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.[10] Việc xây cất và thiết bị do hãng RCA International Service của Hoa Kỳ đảm trách với kỹ thuật tương đương với một thành phố trung bình ở Mỹ.[11] Giám đốc đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam là Trung tá Đỗ Việt,[12] Phó Giám đốc là Lê Hoàng Hoa.[2]

Phát triển

[sửa | sửa mã nguồn]

Đài Truyền hình dân sự thứ hai được thiết lập sau đài Sài Gòn là đài địa phương Cần Thơ rồi lần lượt thêm những đài khác ở Quân khu I và II.[13] Sang thập niên 1970 miền Nam đã đó có tới năm đài truyền hình trong khi ở miền Bắc truyền hình chưa hết giai đoạn thử nghiệm và đến năm 1971[14] mới bắt đầu thiết lập.

Ngoài Đài chính ở Sài Gòn, Việt Nam Cộng hòa còn có bốn đài truyền hình địa phương ở Huế, Quy Nhơn, Nha TrangCần Thơ.[15]

Thời lượng phát hình vào đầu thập niên 1970 của Đài Truyền hình Việt Nam là sáu giờ mỗi ngày vào buổi chiều. 80% dân chúng ở Miền Nam có thể bắt sóng xem được. Tính bình quân cứ mỗi 50 người dân thì có một ti vi; tổng cộng hơn 350.000 máy trên toàn quốc.[16] Ngân sách của THVN vào năm 1970 là 1,2 triệu Mỹ kim.[17]

Bắt đầu từ năm 1972 và hoàn tất năm 1973 sau Hiệp định Paris đài tiếng Anh AFVN giảm hoạt động rồi chấm dứt hẳn ngày 22 tháng 3.[3] Máy móc và thiết bị kỹ thuật đã được chuyển giao cho THVN.[18]

23h57 ngày 29 tháng 4 năm 1975, Đài Truyền hình Việt Nam của Việt Nam Cộng hòa chấm dứt hoạt động sau 10 năm tồn tại bằng lời chia tay và Quốc ca, Đài Truyền hình Giải phóng kế thừa toàn bộ cơ sở vật chất của Đài, từ ngày 2 tháng 7 năm 1976, đó là tiền thân của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.

Chương trình nội dung

[sửa | sửa mã nguồn]

Đài THVN mở đầu mỗi buổi phát hình với câu:

Giờ Chương trình tiêu biểu ngày Thứ Năm, 2 tháng 3 năm 1972
18:00 Đài hiệu, quốc kỳ, giới thiệu chương trình phát hình
18:05 Tin ngắn
18:10 Nhân dân tự vệ
19:00 Thông cáo
19:05 Thời sự hàng tuần
19:15 Nhạc làm quen khán giả
20:00 Tin tức
20:30 Tiếng nói Động viên
21:00 Bình luận
21:10 Tiếng nói Động viên (tiếp theo)
21:30 Điểm báo
21:40 Thời sự quốc tế
21:50 Kịch: Cô gái Hà Tiên của ban Gió Nam
22:30 Tin chọn lọc
22:35 Cô gái Hà Tiên (phần 2)
24:00 Đài hiệu, quốc kỳ

Bản tin thời sự có những bước đột phá như loạt truyền hình về cuộc tổng tuyển cử tổng thống Việt Nam Cộng hòa và Thượng viện năm 1967.[19] Chương trình phát hình khá đa dạng trong đó có phần tân nhạc như Tiếng tơ đồng,[20] Hương xưa;[21] ca nhạc với những ca sĩ tên tuổi như Thanh Lan,[22] Trần Thiện Thanh; nhạc sĩ như Châu Kỳ,[23] Phạm Mạnh Cương, Văn Phụng, Lê Dinh,[24] Hoàng Thi Thơ,[25] thể thao bóng đá;[26] kịch nói với đoàn kịch Túy Hồng; cải lương mỗi thứ Bảy, và cả hát bội.[17] Kịch nói truyện dài xã hội và hài hước như Gia đình Thầy Ký xuất hiện mỗi tối Thứ Năm với 2 diễn viên là Tú Trinh và Thanh Việt.[27] Nói chung phần giải trí chiếm khoảng 60% thời giờ phát hình.[17] Ngoài ra có những khoản đặc biệt cho các đoàn thể như chương trình Phật giáo Tiếng chuông chùa hay chương trình truyền hình Đắc Lộ của giáo hội Công giáo. Ngành giáo dục thì có chương trình Thế giới Trẻ em của nhạc sĩ Lê Văn Khoa, Ban Tuổi Xanh[17] của nữ nghệ sĩ Kiều Hạnh,[20]Đố vui để học do Vũ Khắc Khoan điều khiển, Đinh Ngọc Mô phụ trách.[28] Chương trình Tuyển lựa ca sĩ cũng rất được hâm mộ, tạo ra những khuôn mặt mới trong ngành tân nhạc Việt Nam.[29] Đài Truyền hình còn cho phát những chương trình dân vận và quân vận của Chiêu hồi. Trong những sự kiện được phát sóng, đáng ghi nhớ là buổi phát hình trận chung kết Giải vô địch bóng đá thế giới 1974 giữa đội tuyển Tây ĐứcHà Lan.[30]

Phát ngôn viên đài truyền hình có Tuyết Mai,[31] Mai Liên, Nguyễn Đình Khánh.[2]

Đài THVN kết thúc buổi phát hình với những câu:

Câu kết thúc trên được lập lại đến ngày 29 tháng 4 năm 1975.

Những ngày cuối cùng

[sửa | sửa mã nguồn]

Những biến cố lịch sử vào đầu năm 1975 cũng được Đài Truyền hình Sài Gòn truyền đi. Cuộc di tản hỗn loạn và đẫm máu triệt thoái khỏi Cao nguyên Trung phần xuống Tuy Hòa theo quốc lộ 7, mệnh danh là "Con lộ Máu và Nước mắt" (tiếng Anh: Convoy of Tears) được phát hình trên vô tuyến gây thêm kinh hoàng cho dân chúng miền Nam.[32] Tiếp theo đó là buổi phát hình trực tiếp bài diễn văn từ chức của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu vào tối ngày 21 tháng Tư năm 1975.

Ngay đến ngày 30 tháng 4, đoàn thu hình THVN9 đã vào Dinh Độc Lập đợi Tổng thống Dương Văn Minh nhưng không thực hiện vì khoảng 7 giờ sáng, Dương Văn Minh ra gặp và kêu gọi mọi người hãy ra về.[2] Vài tiếng đồng hồ sau, chính thể Việt Nam Cộng hòa chính thức xóa sổ.

Buổi phát hình cuối cùng của THVN9 là từ 18h00 đến 23h57 ngày 29 tháng 4 năm 1975, trước ngày chính quyền Sài Gòn sụp đổ.

Nhân vật liên quan

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Hoàng Thái: Giám đốc
  • Lê Hoàng Hoa: Giám đốc sản xuất

Quân Giải phóng tiếp quản

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ, Đài THVN9 đã được bàn giao lại cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và từ 00:00 ngày 1 tháng 5 năm 1975, Đài THVN9 của Việt Nam Cộng hòa được đổi thành Đài Truyền hình Sài Gòn Giải phóng (SGTV). Buổi phát hình đầu tiên trên kênh 9 mới là lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh. Đến ngày 2 tháng 7 năm 1976, đài chính thức mang tên Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV).

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Vietnam Cultural Profile: Television
  2. ^ a b c d e f “THVN9”. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 4 năm 2013. Truy cập ngày 11 tháng 12 năm 2010.
  3. ^ a b c AFRS, AFRTS, AFVN Vietnam
  4. ^ Smith, Harvey et al. Area Handbook for South Vietnam. Washington, DC: US Government Printing Office, 1967. tr 293
  5. ^ History of Project Jenny
  6. ^ “Television in Vietnam”. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 10 năm 2003. Truy cập ngày 6 tháng 10 năm 2003.
  7. ^ “Vietnamese youth with bleak future now holds key to a brighter energy future with NASA invention”. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 2 năm 2013. Truy cập ngày 11 tháng 12 năm 2010.
  8. ^ Nữ nghệ sĩ Phương Liên 50 năm sân khấu[liên kết hỏng]
  9. ^ “VƯƠNG HỒNG ANH - Những ngày với Du Tử Lê ở KBC 3168, Sài Gòn”. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 5 năm 2014. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2010.
  10. ^ Phát thanh viền đầu tiên buổi phát hình 1/5/1975[liên kết hỏng]
  11. ^ "Television for the Troops"
  12. ^ Hội Ngộ Truyền thông VNCH Sau 30 Năm Sàigòn Thất Thủ
  13. ^ Smith, Harvey et al. Area Handbook for South Vietnam. Washington, DC: US Government Printing Office, 1967. tr 282
  14. ^ Báo chí cách mạng
  15. ^ Đài Truyền hình tp HCM
  16. ^ South Viet Nam: The Tube Takes Hold[liên kết hỏng]
  17. ^ a b c d Hoffer, Thomas William. Broadcasting in an Insurgency Environment: USIA in Vietnam, 1965-1970. University of Wisconsin, 1972. tr 397-505
  18. ^ “History of MACOI”. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 9 năm 2013. Truy cập ngày 11 tháng 12 năm 2010.
  19. ^ “Campaign Kickoff Tạp chí Times”. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 11 năm 2010. Truy cập ngày 11 tháng 12 năm 2010.
  20. ^ a b Nhạc sĩ Xuân Lôi
  21. ^ “Linh Phương”. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 6 năm 2014. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2010.
  22. ^ “Thanh Lan”. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 5 năm 2014. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2010.
  23. ^ “Nhạc sĩ Châu Kỳ thăm Little Saigon”. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 8 năm 2006. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2010.
  24. ^ Nhạc sĩ Lê Dinh hội ngộ cùng gia đình VTVN tại Houston theo báo Người Việt[liên kết hỏng]
  25. ^ “Âm nhạc Việt Nam”. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2010.
  26. ^ Đặc biệt tưởng nhớ ký giả Huyền Vũ theo Calitoday[liên kết hỏng]
  27. ^ “Vài hồi ức về kịch nghệ Việt Nam”. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 12 năm 2010. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2010.
  28. ^ “Thanh Tâm Tuyền”. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 5 năm 2014. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2010.
  29. ^ Kỷ niệm về nhạc sĩ Anh Bằng. Houston: Văn đàn Đồng Tâm, 2009. tr 73
  30. ^ Trần Củng Sơn. Một thoáng 26 năm. San Jose: nxb Hương Quê, 2011. Trang 266.
  31. ^ "Sao Anh Đi Mà Không Bảo Gì Nhau?"
  32. ^ America in Vietnam

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]